Tân Nhạc
Trương Chi:
Ngày xưa Trương Chi sống cô đơn,
lênh đênh với con đò giữa dòng sông sâu.
Khách qua nơi đây mấy kẻ hay
cuộc đời anh nghệ sĩ, giọng tiêu ngàn sầu.
Mỵ Nương:
Ngày tháng trôi đi như vô tư,
ngờ đâu cung cấm Mỵ Nương
từng đêm nghe cung tiêu, tha thiết canh thâu
như rót vào tim bao nhiêu nỗi buồn vô bờ.
Trương Chi:
Mỵ Nương say mê ốm tương tư,
khi nao vắng con đò thấy đời bơ vơ.
Mỵ Nương:
Nhớ thương cung tiêu nức nở kia
từ dòng sông lạnh lẽo vọng lên lầu vàng.
Trương Chi:
Vì quá thương con nên cha Nương
truyền cho quân lính tìm gặp Trương Chi trên sông kia.
Mỵ Nương:
Đem đến bên cung cho mắt Mỵ Nương
trông thấy mặt… người nàng thương.
Vọng Cổ (Câu 1)
Trương Chi:
Thưa tiểu thơ, tôi là kẻ đêm đêm trỗi khúc tiêu buồn trên sông lạnh, lòng chỉ muốn gửi nỗi niềm riêng cho áng mây xa, cho vầng trăng sáng không ngờ khúc nhạc kia vọng đến cung son khiến cho tiểu thơ buồn thảm, dập đầu xin ơn trên tha thứ tội… vô… tình. Hò 16
Mỵ Nương:
Người đây là kẻ từng đêm trên sông sâu trỗi khúc nhạc buồn. Hò 20
Trương Chi:
Vâng, tôi là kẻ nghèo nàn cô độc,
một con thuyền trôi dạt giữa sông trăng. Xê 24
Chỉ có khúc tiêu sầu bậu bạn,
gửi gắm tâm tình cho bãi gió ghềnh trăng. Xang 28
Đâu ngờ rằng tiếng trúc bi thương,
vang vọng đến nhà vàng làm não lòng người khuê các. Cống 32
Vọng Cổ (Câu 2)
Mỵ Nương:
Người biết không, từ một đêm trăng ngậm bán tây lầu,
ta chợt nghe khúc tiêu sầu từ sông xa thoang thoảng. Xang 8
Từ đêm đó, gác ngọc nhà vàng như u buồn hoang vắng, Xang 12
những điệu nhạc kiêu sa chỉ làm cho ta thêm nhàm chán,
nhung lụa thướt tha không làm ấm được thân ngà. Hò 16
Như gió chờ trăng, đêm từng đêm ta mong đợi tiếng tiêu sầu. Hò 20
Người có biết tại vì ai mà ta vào ngơ ra ngẩn,
tại vì ai mà nỗi u hoài len vào giấc mộng giữa đêm xuân. Xê 24
Trương Chi:
Dạ, kẻ hèn này muôn vàn đắc tội.
Mỵ Nương:
Ta không cho tìm đến nơi này để bắt tội người đâu. Xê 28
Hãy đến gần đây, ngước lên cho ta nhìn tạn mặt,
cho lòng ta vơi bớt nỗi tương tư. Xang 32
Tân Nhạc
Trương Chi:
Nhưng Trương Chi… xấu xa hơn người, hỡi Mỵ Nương ơi…
nên thương yêu, bỗng thành mây khói, biến tan đi rồi.
Vọng Cổ (Câu 5)
Mỵ Nương:
Hãy đi đi, đi thật xa đừng bao giờ cho ta thấy mặt.
Người đã giết hồn ta bằng tiếng tiêu sầu thê thiết rồi giờ đây với gương mặt xấu xa kinh khiếp người đã giết đi bao nhiêu mơ ước ở… trong… lòng. Hò 16
Thà đừng bao giờ gặp mặt để đêm đêm ta còn chờ đợi khúc tiêu buồn. Hò 20
Để ta còn giữ trong lòng nguyên vẹn những hình ảnh đẹp,
để ta còn chờ đợi gặp người dù trong mộng mà thôi. Xê 24
Còn bây giờ, người hãy đi đi.
Trương Chi:
Vâng, tôi sẽ đi vào núi thẳm rừng sâu che giấu gương mặt xấu xa kinh khiếp. Xê 28
Để cho tiếng tiêu não nùng thê thiết,
đêm đêm không còn vang vọng đến lầu vàng. Xề 32
Vọng Cổ (Câu 6)
Trương Chi:
Gương mặt của Trương Chi xấu xa kinh khiếp,
đã làm tan biến giấc mơ vàng trong lòng của Mỵ Nương. Xê 8
Từ đó, đêm đêm nàng không còn chờ đợi tiếng tiêu buồn,
và theo ngày tháng chuyện xưa dần quên lãng. Xang 12
Còn Trương Chi này suốt đời không quên được,
dù đã tìm vào núi thẳm rừng sâu. Cống 16
Hỡi khúc tiêu sầu sao mi vang vọng đến lầu cao,
sao mi dẫn đường cho ta đến cùng người ngọc. Xê 20
Mà không bôi xóa được gương mặt xấu xa kinh khiếp,
để trọn đời ta ôm một mối hận lòng. Xề 24
Trương Chi:
Trương Chi ơi, xót xa cho người vỡ mộng vì đâu.
Anh quyên sinh, xác nằm lay lắt, trong chốn rừng sâu,
mà không vùi chôn được khối u tình.
Tân Nhạc
Trương Chi:
Tủi thân Trương Chi số vô duyên,
tim anh chết đi rồi kết thành ngọc châu.
Biết tin đau thương ấy Mỵ Nương,
liền tìm viên ngọc quý, tiện chung dùng trà.
Mỵ Nương:
Nào có ai hay trong chung kia,
hình Trương Chi bóng đò hiện lên như bao đêm xưa.
Đau xót cho ai, thương tiếc tình duyên
nên nát ngọc vì lệ rơi.