Vọng Cổ (Câu 6) trong cải lương vọng cổ?

Tác giả:


Trong bài viết này, Lời Vọng Cổ sẽ giới thiệu cơ bản về Câu 6 trong hệ thống Vọng cổ 32 nhịp hiện nay.

Vọng cổ 32 nhịp hiện nay đầy đủ có 6 (sáu) câu, câu 6 là câu kết thúc trong bài vọng cổ. Cũng như câu 1 tỷ lệ xuất hiện của câu 6 trong bài tân cổ, vọng cổ gần như là 100%. Thông thường các bài tân cổ, vọng cổ 32 nhịp hiện nay sẽ được viết ở các cấu trúc quen thuộc là Câu 1 - Câu 2 - Câu 5 - Câu 6 (1 2 5 6), hoặc ngắn hơn là Câu 1, Câu 2, Câu 6 (1 2 6)... do vậy, câu 1, câu 2, câu 6 hầu hết đều xuất hiện trong các bài tân cổ, vọng cổ.

Câu 6 được gọi là câu vọng cổ “đủ”, nghĩa là đầy đủ 8 khuôn (không có phần lên vọng cổ như câu 1, câu 4, câu 5), cấu trúc câu 6 như sau:

Khuôn được tính là 4 nhịp trong một câu vọng cổ, chữ cuối của mỗi khuôn được lấy làm tên của khuôn đó.

Đối với vọng cổ Câu 6, thông thường 8 nhịp đầu hoặc 12 nhịp đầu sẽ đàn chầu, người ca sẽ bắt đầu ca sau khi hết nhịp 8 hoặc nhịp 12. Nói cách khác, thông thường, người ca sẽ bắt đầu ca từ khuôn Xang 12, hoặc Cống 16. Các khuôn trước đó người ca nghỉ để người đàn chầu (đàn chầu).

Trong câu 6, từ đầu đến hết khuôn Xang 20, chữ cuối cùng của mỗi khuôn có thể dấu gì cũng được, tùy ý. Và người ca cũng không cần dứt khuôn đúng nhịp ở những khuôn này.

Khuôn Xề 24 bắt buộc chữ cuối cùng phải là chữ có dấu Huyền và người ca bắt buộc phải dứt lời ca đúng vào nhịp xề 24 này. Cũng như các câu vọng cổ khác, nhịp 24 sẽ được gõ Song Lang. Đây là Song Lang duy nhất trong bài vọng cổ mà lời ca tại đó mang dấu Huyền.

Khuôn Xang 28 thì tương tự như các câu khác, không bắt buộc dấu ở chữ cuối cùng, cũng không bắt buộc người ca phải dứt đúng nhịp.

Khuôn Hò/Liu 32 là khuôn cuối cùng của câu 6, cũng là khuôn kết thúc bài tân cổ, vọng cổ. Đa số chữ cuối cùng của khuôn này là không dấu (chữ Liu), một số ít trường hợp chữ cuối cùng vẫn có thể là dấu Huyền (chữ Hò), giống như Hò 20 ở câu 1, câu 2 , câu 4, câu 5. Người ca bắt buộc phải dứt lời ca đúng nhịp ở nhịp 32 để kết thúc bài vọng cổ.

Trên đây là những thông tin cơ bản về Câu 6 trong hệ thống vọng cổ 23 nhịp 6 câu hiện nay. Trên thực tế, có rất nhiều tác phẩm được cải biên câu 6 để làm phong phú hơn bài tân cổ, vọng cổ.

Thông thường, sau khi hết câu 5, người ca sẽ nghỉ để người đàn chầu 8 nhịp hoặc chầu 12 nhịp sau đó mới ca tiếp. Tuy nhiên có rất nhiều tác phẩm sau khi hết câu 5, tác giả sẽ thêm vào một đoạn tân nhạc, một bài bản cải lương hoặc một điệu lý sau đó mới quay về lại 3 hoặc 4 khuôn cuối của câu 6 (hầu hết là 3 khuôn cuối vì sau khi hết tân nhạc, bài bản hoặc điệu lý về khuôn Xề 24 nghe có vẻ mượt mà hơn,chỉ một số ít trường hợp về khuôn Xang 20).

Một số bài vọng cổ sau khi dứt Xề 24, người ca sẽ ca Tụng một hơi dài không nghỉ cho đến hết bài vọng cổ ở nhịp 32 câu 6.